Phòng chống bệnh tay chân miệng

Bệnh tay – chân – miệng (TCM) được phát hiện trên thế giới từ năm 1969, sau đó liên tục được ghi nhận ở các quốc gia thuộc khu vực Tây Thái Bình Dương với chu kỳ 2-3 năm có một đợt bùng phát. Tại Việt Nam, tính từ đầu năm đến hết tuần thứ 45, cả nước đã ghi nhận 90.189 trường hợp mắc bệnh TCM tại 63 địa phương, trong đó có 153 trường hợp tử vong ở 28 tỉnh, thành phố; tỷ lệ mắc bệnh TCM là 100,8 trường hợp/100.000 dân.

Trong năm 2011, dịch đã đạt đỉnh cao nhất vào tháng 9 và đang có xu hướng giảm vào tháng 10 và 11. Miền Nam là khu vực có số mắc cao nhất: 58.717 trường hợp với 131 tử vong, kế tiếp là miền Bắc với 14.067 trường hợp mắc. 10 tỉnh, thành phố có tỷ lệ mắc/100.000 dân cao nhất là Quảng Ngãi, Đồng Tháp, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bến Tre, Hòa Bình, Tây Ninh, Sóc Trăng, Vĩnh Long và Kon Tum. Các tỉnh Đồng Nai và Bạc Liêu có tỷ lệ tử vong/100.000 dân cao nhất cả nước (tương ứng là 1,00 và 0,90). Ninh Thuận là tỉnh đứng đầu cả nước về tỷ lệ chết/mắc: 0,76%. Trên toàn quốc, 91% số mắc và 98% số tử vong là trẻ em dưới 5 tuổi, trong đó trẻ trai nhiều trơn trẻ gái.

Chung cả nước, typ vi rút EV71 gây bệnh TCM chiếm 39,7%, riêng khu vực miền Nam, tỷ lệ mẫu xét nghiệm dương tính với EV71 chiếm tỷ lệ cao nhất là 56,7%. Có một tỷ lệ khá cao người lớn mang mầm bệnh, là nguồn lây nhiễm bệnh cho trẻ em. Tỷ lệ người chăm sóc trẻ áp dụng biện pháp rửa tay phòng bệnh còn thấp. Một số nơi chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của các cấp chính quyền, địa phương và các ban ngành, đoàn thể. Công tác phòng chống dịch của các địa phương chưa triệt để, công tác truyền thông giáo dục sức khỏe tại cộng đồng chưa sâu rộng.

Ngày 04/11/2011, tỉnh Ninh Thuận công bố dịch TCM. Tính từ đầu năm đến ngày 20/11/2011, trên 7/7 huyện, thành phố, 56/65 xã, phường của tỉnh có 671 trẻ mắc bệnh TCM, 4 trẻ tử vong do bệnh TCM. 96,6% bệnh nhân TCM là trẻ em dưới 5 tuổi, trong đó 23% là trẻ đi học nhà trẻ, mẫu giáo, còn 77% là trẻ ở nhà; 20% trẻ mắc bệnh ở thành thị và 80% ở nông thôn.

Tại Hội nghị “Tăng cường các biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng” do Bộ Y tế tổ chức ở thành phố Hồ Chí Minh ngày 20/11/2011, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tham dự và chỉ đạo: cần huy động cả hệ thống chính trị địa phương để tuyên truyền cụ thể, sâu rộng cho tất cả các bà mẹ có con dưới 5 tuổi nắm được Bốn điều cần phải biết và Ba việc cần phải làm để phòng chống bệnh TCM.

Bốn điều cần phải biết:

– Trẻ dưới 5 tuổi có nguy cơ mắc bệnh TCM cao nhất;

– Bệnh TCM lây trực tiếp qua đường tiêu hóa nên cần phải thực hiện ăn sạch, ở sạch, đồ chơi sạch;

– Hiện tại chưa có vắcxin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu, vì vậy biện pháp chủ yếu là phòng ngừa;

– Khí hậu nóng ẩm nhiều làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Ba việc cần làm để phòng chống bệnh TCM:

Các bà mẹ, cô giáo và người chăm sóc trẻ là những người có thể phòng bệnh tốt nhất cho trẻ bằng những hành động sau đây:

1. Ăn uống sạch:

– Ăn thức ăn nấu chín, uống nước đun sôi để nguội;

– Ăn ngay sau khi nấu xong, che đậy không cho ruồi, gián, chuột chạm vào thức ăn.

– Không để lẫn thức ăn sống và thức ăn đã nấu chín, dùng riêng dụng cụ chế biến (dao, thớt, bát đĩa…) cho thức ăn sống và thức ăn chín. Mỗi trẻ em có cốc, chén, bát, thìa… riêng.

2. Ở sạch:

– Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trước khi ăn, chăm sóc trẻ, làm thức ăn, cho trẻ ăn và sau khi đi vệ sinh, làm vệ sinh cho trẻ, ngay khi xong công việc;

– Rửa tay cho trẻ hoặc hướng dẫn trẻ rửa tay bằng xà phòng và nước sạch nhiều lần trong ngày;

– Mỗi trẻ em có khăn mặt, khăn lau riêng;

– Vệ sinh nhà cửa thoáng mát, sạch sẽ, lau nhà hàng ngày bằng các dung dịch sát khuẩn;

– Không đi cầu, đổ phân của trẻ em ra ruộng đồng, ao mương, sông suối…

3. Dụng cụ học tập, đồ chơi sạch:

– Bàn ghế, dụng cụ học tập, đồ chơi của trẻ phải được vệ sinh, sát khuẩn ít nhất 1 lần/ngày bằng dung dịch chloramin B hoặc nước Javel.

VÌ SỨC KHỎE CON, EM CHÚNG TA, MỌI NGƯỜI HÃY CHUNG TAY THỰC HIỆN!

BS. NGUYỄN NĂM
Giám đốc Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Ninh Thuận